Nhật ký của F1 - Bị cách ly nhưng không xa lánh

Chủ nhật - 01/08/2021 11:33
NHẬT KÝ CỦA F1 - BỊ CÁCH LY NHƯNG KHÔNG BỊ XA LÁNH
Ngày 29/7/2021
Ngày mai là lần xét nghiệm cuối cùng để khẳng định tôi có nhiễm COVID-19 hay không? Và cũng là tròn 21 ngày tôi hoàn thành việc cách ly tại nhà.
Cách đây 20 ngày tôi nhận được điện thoại của thủ trưởng cơ quan thông báo tôi là F1 của một đồng nghiệp tại trường. Tâm trạng không thể diễn tả được trong lúc này, tự nhiên lại trở thành F1. Hàng ngàn câu hỏi đặt ra trong đầu “Bây giờ phải làm gì? Chuẩn bị gì? Có phải đi cách ly tập trung không? Và ở đâu?” Phải mất 10 phút tôi mới bình tỉnh trở lại. Việc đầu tiên là gọi điện thoại yêu cầu cậu con trai đang tham gia công tác tình nguyện chống COVID tại Đoàn phường Phú Thọ trở về nhà gấp. Mà ông trời như đang đùa với tôi hay sao mà cổ họng tôi đau rát từ lúc sáng. Suy nghĩ chắc chắn là mình bị nhiễm rồi. Tôi bắt đầu gọi điện báo cho trạm Y tế phường Phú Thọ biết về tình trạng sức khỏe của mình. Tôi được các bạn y tế hướng dẫn: đeo khẩu trang, không tiếp xúc với ai, ở yên trong phòng và các bạn sẽ sắp xếp để test cho tôi tại nhà. Trong lúc chờ các bạn đến tôi bắt đầu tra cứu xem cần đem những gì khi đi cách ly. Và tôi tự trách mình, vì quá chủ quan là mình rất kĩ lưỡng nên đã không trang bị những kiến thức cơ bản. Đáng lẽ những điều này tôi phải chuẩn bị cho mình từ trước. Sau một hồi loay hoay, cuối cùng tôi cũng xếp quần áo, một ít đồ ăn nhanh, nước xịt khuẩn, khẩu trang, nước súc miệng và một ít thuốc vào vali. Tôi viết giấy dặn dò con trai đủ thứ. Nhưng tôi lấy làm lạ là mình không khóc, cho dù tôi là đứa mít ướt, chắc vì những thông tin được cung cấp hằng ngày rằng “chẳng ai bị bỏ lại phía sau”, về chủ trương của nhà nước, về sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, về các tấm lòng vàng của tình nguyện viên… làm cho tôi yên tâm phần nào.
Kết quả xét nghiệm âm tính, tôi được cách ly tại nhà 28 ngày được tính kể từ ngày cuối tiếp xúc với F0. Nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ là F1, con là F2. Bài toán được đặt ra thực phẩm như thế nào cho 21 ngày tiếp theo. Nổi sợ lớn nhất trong tôi bây giờ là mọi người trong xóm sẽ kì thị tôi và thậm chí là miệt thị tôi vì tôi có mầm mống lây nhiễm. Thôi thì tới đâu hay tới đó, đành chịu chứ biết sao giờ.
Sáng sớm chú Phòng - trưởng khu - đến nhà đưa quyết định cách ly kèm theo một túi gạo, một ít rau và một con cá. Chú bảo: “Ráng nha con. Có gì gọi cho chú nha con”. Nước mắt tôi cứ chực trào ra, tôi khóc vì không cảm thấy mình bị kì thị, xa lánh, lời Chú nói nghe sao mà ấm tình người đến vậy. Tới trưa tôi nhận điện thoại của Cô tổ trưởng. Cô bảo: “kêu thằng Tèo ra đằng trước lấy đồ ăn, Cô còn sớt một chút dầu xanh, vài viên paracetamol mang cho tôi”. Và từ hôm đó đến tận ngày hôm nay, sáng nào trước cổng nhà tôi cũng có đồ ăn, lúc thì 2 ổ bánh mì, vài quả trứng gà, vài gói mì, lúc thì một ít gừng, sả, chanh. Có khi là thịt heo, thịt gà, cá và cả trái cây nữa. Ai có gì thì san sẻ đó. Một câu nói thường nghe nhất trong xóm tôi là “đang chống dịch mà, ráng thôi” và kèm theo là những lời động viên nhau.
Xóm tôi còn tạo thành một nhóm Zalo để hàng ngày trao đổi thông tin về sức khỏe, mọi người hỏi nhau xem có khỏe không, xem có ai cần gì không, chia sẻ cho nhau những văn bản, thông báo mới của chính quyền, những bài tập thể dục hằng ngày, những lời động viên nhau và gần đây là những đề nghị tình nguyện được ra trực chốt phụ các anh dân quân, phụ phân chia rau củ cho khu cách ly…
Hai mươi ngày sống chậm lại để thấm cái tình người, để hiểu rõ hơn câu tục ngữ “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Xóm tôi, những người bình dị với những công việc rất bình thường trong cuộc sống nhưng thật sự ấm áp yêu thương, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, và tư tưởng tiến bộ để nhắc nhở nhau chấp hành các chỉ thị của chính quyền…
Hai mươi ngày để nhắc nhở bản thân biết trân quý những gì xung quanh ta, để biết rằng người xung quanh ta thất đáng yêu, để có thái độ sống tích cực hơn, để sau này không còn là những cái gật đầu qua loa khi gặp nhau ở đầu hẻm. Để thấm đậm cái tình giữa con người với con người mà do bản thân được trãi nghiệm chứ không phải là những bài học trong thơ ca, văn học
Hai mươi ngày để soi rọi bản thân. Phải tiếp tục cuộc chiến chống COVID cho dù bạn là ai và ở vị trí nào đi nữa. Những Người mang trọng trách, mang sứ mệnh là thủ lĩnh cho cuộc chiến này đang kiên cường chống trả với những con số đang tăng lên từng ngày. Bác sĩ, quân nhân là những người lính ở tuyến đầu ngày đêm vất vả chiến đấu với tử thần để dành lại sự sống cho bệnh nhân. Người lao động đang căng mình vừa sản xuất, vừa chống dịch. Thanh niên, tình nguyện viên, họ cũng lao trận chiến với những công việc vất vả hằng ngày. Bệnh nhân thì có cuộc chiến của họ, chiến đấu vì sức khỏe của bản thân, chiến đấu với bệnh tật để các y bác sĩ đỡ vất vả hơn trong công việc, chiến đấu để mau hồi phục, để thật khỏe mạnh, để cùng tham gia trận chiến này.
Ngày mai nếu được khỏe mạnh hoàn toàn, tôi sẽ chọn một con đường khác để đi, không an phận với tư tưởng miễn mình sống tốt là đủ mà tôi sẽ nhắn trên nhóm Zalo của xóm tôi “Hôm nay con trực chốt” hoặc sẽ tham gia tình nguyện vào nhóm test cộng đồng sắp tới đây. Tôi muốn thật khỏe mạnh để mặc bộ đồ bảo hộ màu xanh đó, đối với tôi cái màu xanh đó mang đầy nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và cả tình người nữa.
Ngày mai nếu kết quả không được như mong muốn, tôi trở thành F0, thì tôi cũng sẽ chiến đấu kiên cường nhất định không để mình trở thành gánh nặng. Tôi sẽ chấp hành theo lệnh của bác sĩ, ăn hết phần ăn của mình, không cầu toàn, không kêu ca và tôi sẽ chiến đấu với một tinh thần lạc quan, tinh tưởng vào một ngày toàn thắng không xa.
Cho dù là trận chiến nào đi nữa. Cho dù là ở vị trí nào đi nữa. Tôi chắc chắn rằng “Tôi không bao giờ lẻ loi một mình”…
...
Tác giả: L.T.H.L

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Truyền hình giáo dục
Văn bản mới

299/PGDĐT

Ngày ban hành: 11/03/2024. Trích yếu: Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

162/PGDĐT

Ngày ban hành: 31/01/2024. Trích yếu: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục năm 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

293/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 08/03/2024. Trích yếu: Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

202/PGDĐT

Ngày ban hành: 21/02/2024. Trích yếu: Báo cáo kết quả tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Ngày ban hành: 21/02/2024

212/PGDĐT

Ngày ban hành: 23/02/2024. Trích yếu: Triển khai an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục

Ngày ban hành: 23/02/2024

Thăm dò ý kiến

Học sinh có những điều kiện nào phục vụ việc học qua Internet?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay216
  • Tháng hiện tại40,545
  • Tổng lượt truy cập2,751,656
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây